Vắc-xin là một thành tựu quan trọng trong việc chống lại nhiều loại dịch bệnh. Nhưng số người nghi ngại về tính an toàn của vắc-xin ngày càng tăng, họ cho rằng vắc-xin gây nguy hiểm thay vì bảo vệ sức khỏe chúng ta. Trên internet có rất nhiều câu chuyện về phản ứng sau tiêm gây một số khuyết tật và cả tử vong, sự thật đúng là vắc xin cũng có tác dụng phụ. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên lí hoạt động của vắc xin và dùng những số liệu phân tích xem liệu sử dụng hoặc không sử dụng vắc-xin đâu mới là điều đúng đắn?
Nguyên lí hoạt động của vắc xin
Hệ miễn dịch của bạn giống như một đội quân phức tạp với hàng tỷ tế bào bao gồm các chiến binh (đại thực bào, bạch cầu trung tính), nhà nghiên cứu (tế bào tua) và vũ khí hạng nặng (tế bào B). Mỗi ngày, bạn bị tấn công vô số lần nhưng các chiến binh của bạn thường âm thầm đối phó với nó, nên bạn không cảm nhận được gì.
Nhưng một khi bạn bị viêm nhiễm nặng, các nhà nghiên cứu sẽ vào cuộc, thu thập thông tin về kẻ tấn công và kích hoạt "xưởng vũ khí" với tên thường gọi là kháng thể. Kháng thể giống như tên lửa định hướng được sản xuất đặc biệt để tấn công những kẻ xâm lược nhưng không may là quá trình này phải mất khoảng vài ngày để hoàn thành. Trong lúc đó kẻ xâm nhập có rất nhiều thời gian để gây hại cho cơ thể.
Cơ thể bạn thật sự không muốn phải liên tục tham gia những cuộc chiến như vậy vì thế hệ miễn dịch tạo ra một giải pháp tuyệt vời để ngày càng mạnh hơn theo thời gian. Khi chúng ta phải chiến đấu với một kẻ thù đủ nguy hiểm đến mức phải kích hoạt "vũ khí hạng nặng", hệ miễn dịch sẽ tự động tạo ra các tế bào ký ức.
Tế bào ký ức này "ngủ đông" trong cơ thể chúng ta qua nhiều năm, chúng không làm gì cả ngoài việc ghi nhớ. Khi kẻ thù cũ tấn công lần thứ hai, tế bào ký ức tỉnh dậy, ra lệnh sản xuất kháng thể phù hợp và tấn công ngay lập tức, bỏ qua bước nghiên cứu.
Cách này nhanh và hiệu quả đến mức mà có những bệnh bạn sẽ chỉ mắc một lần và không bao giờ mắc lại và miễn nhiễm với chúng suốt đời. Đó cũng là lý do giải thích vì sao trẻ em hay bị ốm hơn người lớn vì do chúng chưa có đủ tế bào ký ức trong cơ thể. Nhờ phát hiện cơ chế tự nhiên tuyệt vời này đã làm nền tảng để chúng ta tạo ra vắc-xin.
Vắc-xin hoạt động như thế nào?
Tế bào ký ức rất tuyệt, nhưng cơ thể chỉ sản sinh ra chúng khi đã mắc bệnh, điều đó thường không dễ chịu và đôi khi gây nguy hiểm. Vắc-xin là một cách lừa cơ thể sản xuất ra tế bào ký ức để tạo sự miễn dịch bằng cách tiêm vào cơ thể những tác nhân bệnh không có khả năng gây hại. Ví dụ như mầm bệnh đã chết hoặc suy yếu.
Đối với vắc-xin loại này, hệ thống miễn dịch của chúng ta xử lý khá dễ dàng. Tuy nhiên, số tế bào kí ức sinh ra cũng hạn chế, trong nhiều trường hợp chúng ta cần nhiều tế bào kí ức hơn nữa để giúp hệ miễn dịch mạnh hơn. Do đó, “vắc-xin sống” ra đời. Một kẻ thù có thể phản kháng sẽ khó đối phó hơn một kẻ thù đã chết nhưng cũng mang lại nhiều thông tin hơn. Nhưng nếu mầm bệnh thắng thì sao?
Để tránh điều này xảy ra, chúng ta tạo ra một họ hàng yếu ớt của mầm bệnh này trong phòng thí nghiệm, chỉ vừa đủ độc tính để tác động đến đến hệ miễn dịch và tạo đủ tế bào ký ức. Tóm lại, những nguyên lý cơ bản của vắc-xin là kích hoạt phản ứng tự nhiên của cơ thể, tạo miễn dịch với những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên vẫn có một số mầm bệnh như vi-rút cúm, đột biến nhanh đến mức mỗi năm chúng ta cần một loại vắc-xin mới, nhưng đa số các loại vắc-xin có thể bảo vệ chúng ta trong nhiều năm, thậm chí suốt đời.
Các nguy cơ của Vắc-xin
Giống như mọi thứ khác, vắc-xin cũng có mặt trái đó là tác dụng phụ. Vậy có thể bị những tác dụng phụ nào và chuyện gì sẽ xảy ra nếu con bạn gặp tác dụng phụ từ vắc-xin? Rất khó để so sánh trực tiếp tác dụng phụ của vắc-xin với tác hại của bệnh. Ví dụ, có hàng trăm triệu người ở phương Tây được tiêm phòng sởi trong khi chỉ có 83.000 ca mắc sởi ở châu Âu năm 2018. Do con số chênh lệch quá lớn nên kể cả những tác dụng phụ rất nhẹ cũng có vẻ đáng sợ khi mà căn bệnh này gần như đã biến mất.
Trước khi có vắc-xin sởi vào năm 1963, hầu như mỗi một đứa trẻ trên trái đất đều từng nhiễm sởi. Có khoảng 135 triệu ca mắc sởi hàng năm trong những năm 1950-1960. Nếu không sử dụng vắc-xin nhưng được chăm sóc sức khoẻ với công nghệ tiên tiến ở năm 2019 thì sởi có còn đáng sợ nữa hay không? Hãy thử tính toán dựa trên những con số có thật nhé. Hãy tưởng tượng ở một vũ trụ song song, có một quốc gia phát triển, ở đó hệ thống chăm sóc sức khoẻ rất tốt nhưng mọi người không tiêm phòng ngừa. Giả sử là 10 triệu trẻ em bị mắc sởi. Chuyện gì sẽ xảy ra?
9 triệu 800 nghìn trẻ (98%) sẽ bị sốt cao và phát ban. Khoảng gần 800 nghìn trẻ (8%) sẽ bị tiêu chảy cấp. Khoảng 700 nghìn (7%) trẻ sẽ bị viêm tai, có thể bị biến chứng dẫn đến điếc vĩnh viễn. Khoảng 600 nghìn trẻ (6%) sẽ bị viêm phổi - triệu chứng nguy hiểm nhất của sởi. Chỉ riêng vậy đã đủ giết 12 nghìn trẻ. Gần 10 nghìn trẻ (0.1%) sẽ bị viêm não. 2500 trẻ (0.025%) sẽ bị SSPE: một loại bệnh gây ra do virus sởi nằm lại trong não và giết những đứa trẻ sau một vài năm. Nếu cộng lại, có khoảng 2.5 triệu trẻ sẽ phải chịu các triệu chứng nặng của sởi và khoảng 20.000 trẻ sẽ chết do sởi. Mọi chuyện chưa dừng ở đây. Hệ miễn dịch của những đứa trẻ khỏi bệnh sẽ bị tàn phá nghiêm trọng và cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Đây là thời điểm hoàn hảo để các mầm bệnh khác tấn công cơ thể.
Vậy nếu sử dụng vắc-xin thì sao? Sẽ công bằng hơn nếu chúng ta xem cả những tác dụng phụ của nó. Bây giờ hãy lặp lại thí nghiệm, nhưng là với 10 triệu đứa trẻ đã tiêm phòng vắc-xin, điều gì sẽ xảy ra? Sau khi được tiêm phòng, khoảng 1 triệu trẻ (10%) sẽ bị sốt. 500 nghìn trẻ (5%) sẽ phát ban nhẹ. Gần 100 trẻ (0.001%) sẽ có phản ứng dị ứng nặng và cần phải được điều trị. Gần 10 bé trai (0.0001%) có thể bị nhiễm trùng cơ quan sinh dục. Gần 10 trẻ (0.0001%) có thể bị viêm não - tác dụng phụ nặng nhất có thể khi tiêm vắc-xin. Vậy nếu chúng ta tiêm phòng cho 10 triệu trẻ em thì tổng cộng có khoảng 120 trẻ có biểu hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhưng nhờ các biện pháp điều trị y tế tốt ở các nước phát triển, gần như tất cả sẽ ổn.
Sởi nguy hiểm cho con bạn hơn gấp hàng nghìn lần tác dụng phụ tệ nhất của vắc-xin. Để tìm những ca tử vong do tác dụng phụ của vắc-xin, bạn phải dùng một cái kính phóng đại cực lớn để soi giữa biển người vì nó có tỉ lệ cực cực cực kì thấp. Trong khi đó số ca tử vong do sởi thì rất dễ tìm thấy, chỉ riêng năm 2017, trên thế giới đã có 110 nghìn người chết vì sởi. Bạn có thể so sánh vắc-xin với dây an toàn. Có bao giờ có những tai nạn chết người do đeo dây an toàn không? Câu trả lời là có. Nhưng bạn có nghĩ không đeo dây an toàn thì có an toàn không?
Chưa hết, nhỡ đâu con bạn bị dị ứng với thành phần của vắc-xin và hoàn toàn không thể sử dụng thì sao? Nếu vậy, bạn cần phải là người tích cực vận động mọi người đi tiêm vắc-xin nhất. Vì nếu không thể được tiêm vắc-xin chỉ có cộng đồng mới có thể bảo vệ được con bạn và đây được gọi là "miễn dịch cộng đồng". "Miễn dịch cộng đồng" có nghĩa là trong cộng đồng đã có số lượng người được miễn dịch đủ lớn đến mức mà mầm bệnh không thể lây lan được và sẽ chết trước khi lây cho một người nào đó. Nhưng để đạt được điều này, với riêng sởi, thì 95% số người quanh bạn phải được tiêm chủng.
Kết luận: Cuộc tranh cãi về vắc-xin là không cần thiết vì trong khi bên ủng hộ vắc-xin đưa ra được những nghiên cứu và số liệu cụ thể thì bên phản đối thường dựa theo cảm tính, những lời truyền miệng và thông tin sai sự thật và cảm tính thường lấn át sự thật. Chúng ta không thể bóp méo sự thật về những ảnh hưởng của việc chống vắc-xin. Nó đã giết những đứa trẻ quá nhỏ để có thể tiêm phòng. Nó đã giết những đứa trẻ khỏe mạnh nhưng kém may mắn. Nó khiến những căn bệnh vốn sắp bị tiêu diệt hoành hành trở lại, còn tác dụng phụ vắc-xin chỉ là một con số vô cùng nhỏ. Hãy nhìn vào tổng thể và đừng mang những con “quái vật” đáng ra đã bị tiêu diệt hoàn toàn quay trở lại!
0 Nhận xét